Theo báo cáo tài chính công ty mẹ kiểm toán năm 2019, năm vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ghi nhận 83.126 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,2 lần năm 2018.
Doanh thu tài chính suy giảm cộng với việc tăng mạnh trích lập dự phòng (chủ yếu trích lập cho khoản đầu tư vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) là nguyên nhân khiến lãi ròng của công ty mẹ PVN giảm 17% trong năm 2019, đạt gần 23.200 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do PVN phải bao tiêu doanh thu xăng dầu cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo thỏa thuận được ký vào ngày 15/1/2013. Lượng bao tiêu năm 2019 là trên 66.000 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2018.
Lượng doanh thu còn lại chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh khí. Ngoài ra một số ít là doanh thu cung cấp dịch vụ đào tạo và đề tài nghiên cứu, doanh thu cung cấp dịch vụ bao tiêu sản phẩm lọc dầu, doanh thu cho thuê văn phòng…
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 5.638 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của công ty mẹ khởi sắc nhưng ở các công ty con, công ty liên doanh, liên kết… lại không được như vậy. Năm vừa qua, tổng doanh thu tài chính của PVN ở mức 30.466 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2018.
Đi sâu hơn, sự suy giảm này chủ yếu là do cổ tức và lợi nhuận được chia giảm 20% (còn 12.211 tỷ đồng); doanh thu khí, condensate từ các lô dầu khi giảm 6,3% (xuống 7.778 tỷ đồng); lãi tiền dầu Vietsovpetro giảm 43% (xuống 3.487 tỷ đồng). Thêm vào đó, PVN không còn ghi nhận khoản lãi thanh lý đầu tư lên đến trên 1.100 tỷ đồng như năm 2018.
Bù lại, lãi tiền gửi, lãi phát sinh cho đối tác trả chậm và thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tăng 40% lên 5.018 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi ủy thác cho vay và lãi cho vay cũng như lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại cũng tăng đáng kể.
Về chi phí, năm 2019, chi phí tài chính của PVN tăng 20% lên 11.150 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư (5.980 tỷ đồng so với hơn 3.200 tỷ đồng của năm 2018, tương đương tăng 87%).
Theo tìm hiểu, gần 5.700 tỷ đồng đã được PVN trích lập dự phòng thêm cho khoản đầu tư vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn – đơn vị sở hữu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, chiếm phần lớn lượng trích lập dự phòng thêm trong năm. Hiện PVN đang nắm 25,1% cổ phần tại doanh nghiệp này.
Trở lại với diễn biến chi phí, trái với sự gia tăng của chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp của PVN giảm 18,5% trong năm 2019, xuống 1.356 tỷ đồng. Trong khi đó, quy mô chi phí bán hàng không đáng kể.
Chốt năm 2019, PVN đạt 23.181 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (lãi ròng), giảm 17% so với năm 2018.
Tính đến hết năm, tổng tài sản của “siêu doanh nghiệp” này là trên 512.000 tỷ đồng, tăng 3,5% sau một năm. Phần lớn tài sản tập trung ở các khoản đầu tư tài chính dài hạn với trên 167.000 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng với trên 143.000 tỷ đồng.
Riêng đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, PVN đã dự phòng tổng cộng gần 14.200 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là khoản dự phòng đầu tư vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với trên 8.500 tỷ đồng (giá gốc của khoản đầu tư này là trên 12.600 tỷ đồng).
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của PVN đến hết năm 2019 đạt trên 380.000 tỷ đồng, tăng 2,4% sau một năm. Nợ phải trả ở mức trên 132.408 tỷ đồng, tăng 6,7%; trong đó, tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) là trên 27.000 tỷ đồng, giảm hơn 10%.
Xem thêm thông tin báo cáo chi tiết và phân tích chuyên sâu về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/companies/vietnam-oil-and-gas-group_3919
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/