Theo Ngân hàng Nhà nước, những nội dung dự kiến được sửa đổi trong Thông tư 01/2020 là những nội dung được tổng hợp, chọn lọc và đúc rút từ các kiến nghị của doanh nghiệp và NHTM mà NHNN đã ghi nhận tại các buổi hội thảo kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được tổ chức trong tháng 5 và 6/2020 tại 14 tỉnh, thành trên cả nước.
03 nội dung chính được NHNN sửa đổi trong dự thảo Thông tư mới bao gồm: kéo dài thời gian hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 12/2020 (thay vì trước đó Thông tư 01 quy định là từ 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19); cho phép các TCTD được cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/1 đến trước ngày 25/4/2020 (thay vì trước đó Thông tư 01 chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23/1); và cho phép TCTD không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại. Như vậy, với 3 điểm sửa đổi chính ở trên, NHNN gần như đã tính toán rất kỹ lưỡng cho cả phía các doanh nghiệp vay vốn và các NHTM.
Với điểm sửa đổi thứ nhất, thời gian hỗ trợ được kéo dài đến hết năm 2020. Điều đó có nghĩa là các kiến nghị kéo dài thời hạn hỗ trợ của hàng trăm doanh nghiệp và NHTM tại TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu và An Giang đều đã được ghi nhận.
Đối với điểm sửa đổi thứ hai, phạm vi hỗ trợ được NHNN nới rộng áp dụng với cả các khoản vay được giải ngân từ ngày 23/1 đến 24/5/2020 có thể xem là một sự chia sẻ hết sức trách nhiệm của ngành Ngân hàng. Bởi trên thực tế, dịch Covid-19 diễn biến rất nhanh, phức tạp, mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong nước. Theo phản ánh của nhiều TCTD, chi nhánh NHNN và một số doanh nghiệp thì phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020 (đặc biệt là các khoản cho vay ngắn hạn), khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng, thỏa thuận cho vay. Theo kiến nghị, ngoài các khoản vay trước ngày 23/1/2020 thì các khoản vay sau khi Chính phủ đã công bố dịch cũng cần được hỗ trợ cơ cấu nợ và giảm lãi suất. Vì trong lúc dịch bệnh các doanh nghiệp vẫn phải vay vốn để duy trì sản xuất và giữ chân công nhân. Do đó, các khoản vay trong quý I và đầu quý II/2020 cũng cần được hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất, chờ doanh nghiệp bán được hàng tồn mới có dòng tiền trả nợ.
Trong số các điểm dự kiến sẽ sửa đổi trong Thông tư 01/2020, điểm nổi bật nhất là NHNN sẽ cho phép các TCTD không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.
Điểm sửa đổi này cộng với việc kéo giãn thời gian hỗ trợ đến hết năm 2020 sẽ tạo điều kiện để các NHTM linh hoạt hỗ trợ khách hàng trong suốt năm 2020 mà không quá lo về khả năng phát sinh nợ xấu. Bởi các khoản dư nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và trong khoảng từ 23/1 – 24/4/2020 sẽ được các TCTD căn cứ vào tình hình phục hồi tài chính của từng doanh nghiệp cụ thể nhằm cân đối thời gian và số lần cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ xấu.
Theo NHNN, việc sửa đổi Thông tư 01/2020 theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết năm 2020 là dựa trên đánh giá thận trọng của Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam trong điều kiện tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản khống chế và kiểm soát từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam cũng khống chế được dịch trong quý IV/2020. Vì vậy, với việc cho phép các TCTD được linh hoạt cơ cấu nợ nhiều lần đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chắc chắn sẽ tạo điều kiện để các NHTM tiếp tục cơ cấu nợ, giãm lãi vay hỗ trợ khách hàng trong quý III và IV/2020.
Trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến xấu trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế được dịch trong quý III/2020 thì việc nới rộng thời gian hỗ trợ của Thông tư 01/2020 đến hết năm 2020 và hỗ trợ cả các khoản vay phát sinh từ ngày 23/1 đến ngày 24/4/2020 là phù hợp. Bởi từ sau thời điểm 24/4/2020 (tức là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19) các NHTM cơ bản cũng đều đã có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các khoản vay mới phát sinh sau 25/4/2020 đều đã được hỗ trợ giảm lãi suất, hoặc được cân nhắc kỹ lưỡng khi giải ngân.
Trường hợp đến hết năm 2020 dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa thể được khống chế và trong vài tháng tới Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa thể công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam. Khi đó, những phương án tiếp tục triển khai Thông tư 01/2020 sẽ được Ngân hàng Nhà nước tính toán, bổ sung điều chỉnh dựa trên thực tiễn thị trường và căn cứ vào những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của cả nước trong năm 2020 cũng như kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ của năm 2021 và các năm sau.
Nguồn: https://vietnamcredit.com.vn/
Xem thêm thông tin báo cáo chi tiết và phân tích chuyên sâu về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại:
https://vietnamcredit.com.vn/search?keyword=The+State+Bank