Chiều 7.12.2020, hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng, kéo đến trụ sở Grab ở đường Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%. Họ phản đối vì cho rằng, mức phí khấu trừ này quá cao, ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Tài xế dậy sóng
Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế.
Mức này tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên). Tuy nhiên, Grab cho biết vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126. Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%.
Không chỉ kéo đến trụ sở Grab ở Duy Tân, các tài xế chạy qua nhiều tuyến phố như Cầu Giấy, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh để kêu gọi tắt ứng dụng, nhưng ngay sau đó đã bị lực lượng chức năng giải tán.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Grab cho biết, hãng đã đối thoại với các tài xế, để họ hiểu về chính sách chiết khấu của hãng. Thực chất chiết khấu vẫn là 20%, còn phần tăng thêm là thuế VAT áp dụng theo Nghị định 26.
“Theo quy định của Nghị định 126, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
Do đó, chúng tôi đã đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi”, hãng xe này cho hay.
Cũng theo đại diện Grab, theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.
Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
“Trước và ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, chúng tôi đã tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Grab đã “biến hình”?
Trả lời trên Lao động, ông Trần Bằng Việt – nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Giải pháp Phát triển DongA Solutions, cựu CEO Mai Linh Taxi cho biết, việc thu thuế VAT 10% đối với dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ là đúng, sòng phẳng và công bằng với các ngành khác và các đơn vị cạnh tranh khác trên cùng ngành.
Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng – thuế VAT này là tính trên doanh thu, chứ không phải thuế thu nhập cá nhân. “Thuế 10% này là hành khách trả, doanh nghiệp thu hộ, lái xe chỉ là người làm thuê nên không có liên quan gì ở đây cả. Đừng ghép lái xe vào rồi chụp cái mũ “làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động”, ông Việt cho hay.
Theo ông Việt, xe công nghệ bây giờ sẽ có hai lựa chọn: Một là tăng giá để bù khoản 7% thuế tăng thêm; hai là không tăng giá để giữ được nhiều khách hàng hơn.
Trong trường hợp hai, hai bên bị ảnh hưởng sẽ là công ty vận hành app (Grab/Gojek) và chủ xe. Sẽ tuỳ vào điều khoản cụ thể trong hợp đồng giữa chủ xe và hãng để biết ai thiệt hại như thế nào và bao nhiêu.
“Nếu khách hàng bị tăng giá cước, thì có thể không lựa chọn dịch vụ của hãng xe này nữa”, ông Việt nói, đồng thời cho biết, ông ủng hộ việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và trong trường hợp cụ thể này là vào ngành giao thông vận tải.
Còn theo ông Bùi Danh Liên – nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – cho rằng những bất đồng giữa tài xế GrabBike và Công ty Grab thuộc về quan hệ dân sự. Đây là lần thứ 2 các tài xế Grab đi phản đối vì bất đồng tỉ lệ ăn chia.
Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất là hiện nay Grab và tài xế chạy GrabBike không ký kết hợp đồng lao động nên nhiều quyền lợi của tài xế không được đảm bảo. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về vận tải hiện nay cũng không điều chỉnh hoạt động của loại hình GrabBike nên cơ quan chức năng không có cơ sở giải quyết vi phạm, tranh chấp.
Vì vậy, ông Liên cho rằng cơ quan chức năng, nhất là Bộ Giao thông vận tải, cần xem xét, đưa loại hình GrabBike vào quản lý, đảm bảo quyền lợi cho cả tài xế lẫn Grab trên cơ sở pháp luật, tránh những vụ tập trung khiếu nại gây bất ổn xã hội.
Ông Phạm Bình Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đánh giá, “Trước đây Grab luôn nói không kinh doanh vận tải, nhưng thực chất là họ kinh doanh vận tải chứ không phải kinh tế chia sẻ. Nếu họ là kinh tế chia sẻ thì không bao giờ họ để cước cao như hiện nay, bởi vì sẽ hạn chế đối tác tham gia. Họ sẽ để cước thấp, ai chạy được thì chạy, không chạy thì thôi” – ông Minh nói.
Theo ông Minh, hiện để được ưu tiên và nhận cuốc xe nhiều, các lái xe Grab phải có trên 90% tỷ lệ nhận cuốc/ngày và phải dựa khách hàng chấm sao. Nếu không thỏa mãn, họ sẽ không có sự ưu tiên nhận “cuốc” xe hoặc bất cứ ưu đãi nào.
“Điều này khác với kinh tế chia sẻ thông thường, nếu là kinh tế chia sẻ, lái xe rảnh thì họ chạy, còn không thì thôi. Mà nếu chỉ có rảnh mới chạy xe, áp dụng vào trường hợp của Grab tại Việt Nam, lái xe sẽ không bao giờ nhận được cuốc và ưu đãi” – ông Minh nêu vấn đề.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, mô hình của Grab đang biến đổi và cơ quan Nhà nước cần nhận thấy sự biến đổi đó để giám sát hoặc quản lý hiệu quả chống việc phát sinh nhiều vấn đề.
“Bản chất của xe công nghệ tại Việt Nam hiện nay là chuyển phương thức kinh doanh của mình từ truyền thống sang nền tảng kinh tế số chứ không phải là kinh tế chia sẻ thực chất. Vì vậy, cần phải nhóm chúng vào một loại hình doanh nghiệp để quản lý đúng, trúng” – ông Minh nói.
Nguồn: Enternews
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo Công ty TNHH Grab tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/companies/grab-company-limited_73367?keyword=0312650437