Theo ước tính, xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng, nhưng tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo nguồn cung gạo trong nước dồi dào hơn, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng. Tuy nhiên, nguồn cung tăng và giá gạo Ấn Độ đang ở mức cạnh tranh hơn sẽ gây áp lực lên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 khó tăng mạnh so với năm 2020.
Thị trường thế giới
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh do tình trạng thiếu container và nguồn cung từ Việt Nam ở mức thấp do vào mùa giáp hạt, trong khi nhu cầu thị trường ở mức cao. Đầu tháng 2/2021, giá gạo Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm, gạo Thái Lan cao nhất trong 10 tháng và gạo Ấn Độ cao nhất trong 3 năm. Theo đó, giá gạo Thái Lan ngày 4/2/2021 ở mức 564 USD/tấn; giá gạo Ấn Độ ở mức 408 USD/tấn và giá gạo Việt Nam ở mức 515 USD/tấn. Sau đó giá gạo giảm do nguồn cung bổ sung từ vụ thu hoạch tại Việt Nam, nhưng vẫn ở mức cao. Cuối tháng 3/2021, giá gạo tại Thái Lan giao dịch ở mức 518 USD/tấn, giảm 0,4% so với cuối tháng 2/2021, nhưng vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020; giá gạo tại Ấn Độ ở mức 403 USD/tấn, tăng 3,3% so với cuối tháng 2/2021 và tăng 10,4% so với cuối tháng 3/2020; giá gạo tại Việt Nam ở mức 520 USD/tấn, tăng 2,97% so với cuối tháng 2/2021.
Giá gạo trên thị trường trong quý I/2021 ở mức cao do cầu lớn hơn cung. Trong quý I/2021, sản lượng và tiêu thụ gạo toàn cầu đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Theo FAO, trong quý I/2021, sản lượng gạo thế giới đạt 128,4 triệu tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu đạt 128,53 triệu tấn, tăng 1,94%. Như vậy nguồn cung thiếu hụt ước tính khoảng 130 nghìn tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam quý I/2021 giảm mạnh
Theo ước tính, tháng 4/2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 700 nghìn tấn, kim ngạch 362 triệu USD, tăng 29,9% về lượng và 24,5% về trị giá so với tháng 3/2021 và tăng 31,7% về lượng và tăng 36,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng, nhưng tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu gạo trong tháng 4/2021 đạt bình quân 471 USD/tấn, giảm 4,2% so với tháng 3/2021 nhưng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 534 USD/tấn, tăng 13,4% so với 4 tháng năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I/2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 648,64 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu gạo trong quý I/2021 giảm chủ yếu do ngay từ đầu năm 2021 các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thuê container và giá cước vận chuyển cao gấp 3 – 7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là thời kỳ giáp hạt, nên sản lượng gạo xuất khẩu không cao. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippin ở mức thấp, nên xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh. Theo đó, quý I/2021 kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường Philippin giảm 30,7% về lượng và giảm 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 411,58 nghìn tấn, trị giá 219,96 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong quý I/2021, đạt 256,5 nghìn tấn, trị giá 136,2 triệu USD, tăng 58,3% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 gồm:
– Campuchia: tăng 2.429,3% về lượng và 1.793,1% về trị giá;
– Cameroon: tăng 498% về lượng và tăng 545,4% về trị giá
– Cu ba: tăng 127,5% về lượng và tăng 229,8% về trị giá;
– Bờ Biền Ngà tăng 121,1% về lượng và 170% về trị giá;
– Ả Rập xê út tăng 112% về lượng và 111,3% về trị giá;
Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh gồm:
– Đông Timo: giảm 93,6% về lượng và giảm 90,2% về trị giá;
– Lào: giảm 86,9% về lượng và giảm 82,4% về trị giá
– Indonesia: giảm 85,7% về lượng và giảm 86,2% về trị giá
– Papua New Guinea: giảm 66,9% về lượng và giảm 61,2% về trị giá
– Mozambique: giảm 64,1% về lượng và giảm 53,5% về trị giá
Về chủng loại: Quý I/2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại gạo đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, trừ gạo nếp. Theo đó, xuất khẩu gạo trắng đạt 493,69 nghìn tấn, giảm 42,9% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 41,4% tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong quý I/2021; xuất khẩu gạo thơm giảm 11,9% so với quý I/2020; xuất khẩu gạo giống Nhật giảm 71,4%, xuất khẩu nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo Huyết Rồng… giảm 67,9%… Điểm sáng trong xuất khẩu gạo quý I/2021 là mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm, song giá xuất khẩu các chủng loại gạo đều tăng 16% – 30% so với quý I/2020.
Xuất khẩu gạo nếp trong quý I/2021 đạt 275,06 nghìn tấn, trị giá 142,96 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo nếp giảm 9% so với quý I/2020, đạt bình quân 563 USD/tấn.
Dự báo: Trong thời gian tới, nguồn cung gạo trong nước dồi dào hơn, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng. Tuy nhiên, nguồn cung tăng và giá gạo Ấn Độ đang ở mức cạnh tranh hơn sẽ gây áp lực lên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 khó tăng mạnh so với năm 2020.
Theo: Bộ Công Thương