Giải trình về kết quả kinh doanh tăng vọt trong kỳ, GIL nói ngắn gọn đó là do quý 2 năm nay doanh thu tăng và có thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất bán trong kỳ.
Công ty CP SXKD XNK Bình Thạnh (Gilimex – mã GIL) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, báo cáo doanh thu bán hàng của GIL quý này đạt 1.258 tỷ đồng, tăng 37% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt hơn 2.122 tỷ, tăng gần 30%.
Biên lợi nhuận gộp quý 2/2021 được cải thiện đáng kể, đạt 19,6% so với con số 15,5% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng con số này lần lượt là 19,6% và 15,7%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp quý 2/2021 của GIL tăng lần lượt 40% và 25% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng tăng lần lượt 30,5% và 40,9% so với cùng kỳ 2020.
Mặc dù vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 2/2021 của GIL đạt 147 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 239 tỷ đồng, tăng 82,7%.
Lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 đạt 115 tỷ đồng, tăng hơn 90%, luỹ kế 6 tháng đạt 186 tỷ đồng, tăng 81,7%.
EPS quý 2/2021 đạt 3.329 đồng, 6 tháng đạt 5.383 đồng, tăng lần lượt 24% và 18,6% cùng kỳ 2020.
Giải trình về kết quả kinh doanh tăng vọt trong kỳ, GIL nói ngắn gọn đó là do quý 2 năm nay doanh thu tăng và có thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất bán trong kỳ.
GIL vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020. Theo đó Xuất nhập khẩu Bình Thạnh dự kiến phát hành 7,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 20 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá 72 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của GIL đạt gần 3.120 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ so với đầu năm. Vốn điều lệ ở mức 360 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 810 tỷ, nguồn tài chính rất dồi dào. Tiền và tiền gửi ngân hàng hơn 1.050 tỷ, gấp gần 3 lần vốn điều lệ.
Chia sẻ tại ĐHCĐ, Ban lãnh đạo GIL cho biết từ trước đến nay GIL đi theo sản xuất, tốc độ mở rộng sản xuất rất nhanh. Công ty là một trong những công ty ở Việt Nam phục vụ được một trong những khách hàng khó tính trên thế giới như Amazon, Ikea… Công ty sẽ tiếp tục duy trì đơn hàng với các khách hàng lớn.
Từ đầu năm đến tháng 5/2021, GIL đã tăng được 25 chuyền may với hơn 700 công nhân. Kế hoạch sắp tới là tăng chuyền.
Về dự án Khu công nghiệp Phú Bài, đã có giấy phép chấp thuận chủ trương. Tuy nhiên đây là dự án cần nguồn vốn lớn và nguồn khách hàng lớn. GIL đã gây tranh cãi khi thị giá 80.000 đồng/cp nhưng phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược chỉ ở mức 35.000 đồng/cp. Tuy nhiên ban lãnh đạo cho rằng ngoài việc hạn chế chuyển nhượng 3 năm, cổ đông còn phải gắn bó đi cùng với GIL trong quá trình thực hiện các dự án của Công ty như chuỗi khu công nghiệp, khách sạn. Tất cả các cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư mới nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì GIL sẵn sàng phát hành cho cổ đông đó. Ngoài giá phát hành thì Công ty còn cần nhiều yếu tố quan trọng khác để đáp ứng được điều kiện nhà đầu tư chiến lược.
Theo: Cafef