Tại buổi tọa đàm “Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI”, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, làm sao để đón được “làn sóng” này hiệu quả không phải bài toán dễ giải quyết.
Thận trọng không hề thừa
TS. Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, khi tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới sẽ có tác động tiêu cực đến kinh tế quốc tế. Thay bằng việc phụ thuộc hoàn toàn vào “công xưởng thế giới” là Trung Quốc, nhu cầu tìm bến đỗ mới của doanh nghiệp quốc tế sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Việt Nam vốn sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực, tuy nhiên làm sao để vừa thu hút đầu tư vừa giải quyết được bài toán phát triển bền vững thì cần có một chiến lược đường dài, không thể nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bất chấp hậu quả.
Cùng bàn về vấn đề này ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam cần chủ động tiếp cận luồng vốn theo cách mới thì mới có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Thay bằng việc chỉ chú trọng đến khâu gia công như trước đây, doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị về kỹ thuật và lực lượng lao động kỹ thuật cao để tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao.
Đồng quan điểm với các chuyên gia bàn về sự thận trọng trong cơ hội đón sóng FDI, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng trong giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình làm thuê đó cần học hỏi được về công nghệ, học cách quản trị và phải hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để sau này xây dựng được thương hiệu riêng và quay lại tiến quân vào chính những thị trường đó. Tại Tập đoàn Sunhouse, năm 2003, công ty nhận đầu tư 30% vốn của Hàn Quốc nhưng sau đó Sunhouse đã mua lại và biến thương hiệu đó trở thành một thương hiệu Việt.
Không quá lạc quan khi đánh giá đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Phú cho rằng dịch chuyển nhà máy là rất khó bởi đa số nhiều doanh nghiệp quốc tế đang phải co cụm lại vì Covid-19. Hiện nay, thứ dễ nhất mà doanh nghiệp trong nước có thể đón đầu chính là việc dịch chuyển các đơn hàng sang sản xuất tại Việt Nam.
“Làn sóng dễ nhất chính là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển 1 phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ việc đánh thuế hoặc từ Covid-19 khi đặt tất cả ở Trung Quốc”, ông Phú đánh giá. Theo ông, trong thời gian tới, mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ phân khúc và tận dụng tối đa tiềm năng của mình, có khát vọng và sự nhạy cảm để chọn được phương án tối ưu. Trong đó, cần chủ động tìm đối tác tốt và tiếp nhận công nghệ sản xuất; tiến tới làm chủ công nghệ, thiết lập thương hiệu và chủ động về nguồn nhân lực để tồn tại trong bối cảnh hậu Covid-19.
Điển hình như nhà máy Lighting được Sunhouse cho ra mắt hồi cuối năm 2019 vừa qua. Nhờ có nhà xưởng và nhân lực sẵn, đối tác sau khi khảo sát đã ngay lập tức đồng ý chuyển trước 4 dây chuyền sản xuất đèn LED và cử chuyên gia sang “ăn nằm” cùng với doanh nghiệp. Tất cả các sản phẩm sản xuất tại nhà máy hiện tại đều đang xuất khẩu đi Bắc Mỹ.
Hay như nhà máy Narae Sunhouse System chuyên sản xuất bản mạch điện tử, chính là một bước đi mạnh mẽ của Sunhouse nhằm kiện toàn bộ máy sản xuất.
Thay bằng việc chỉ hoạt động trong ngành sản xuất dụng cụ gia dụng khu bếp, Sunhouse đã mở rộng phân khúc sản phẩm khi hướng tới sản xuất đồ điện gia dụng, điện tử điện lạnh đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao hơn như điều hòa, bình nóng lạnh… Như vậy, Sunhouse không chỉ tự nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, tăng cơ hội kêu gọi đầu tư mà còn chủ động lựa chọn cho mình hướng đi bền vững nhằm đối mặt với thách thức cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới.
Nguồn: https://cafef.vn/
Xem thêm thông tin báo cáo chi tiết và phân tích chuyên sâu về Tập đoàn Sunhouse tại:
https://vietnamcredit.com.vn/products/companies/sunhouse-co-ltd_36008