Trước đó, cuối năm 2009 theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, Cảng Phước An thuộc nhóm cảng biển số 5, là cảng tổng hợp quốc gia và đầu mối trong khu vực do Công ty làm chủ đầu tư. Dự án Cảng Phước An có vị trí tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam với tổng mức đầu tư lên đến 19.000 tỷ đồng, bao gồm 2 khu:
(1) Cảng Phước An: Diện tích 183ha, chiều dài bến 3.050m, gồm 6 bến container và 4 bến tổng hợp, chiều sâu trước bến -15m, tiếp nhận tàu hàng 60.000DWT, công suất 2,5 triệu TEU/năm và 6,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.
(2) Khu Dịch vụ hậu cần cảng (Logistics), có diện tích trên 550ha, được kết nối giao thông hoàn chỉnh bao gồm hệ thống đường bộ hiện đại và hệ thống đường thủy nội địa thuận tiện. Khu dịch vụ hậu cần cảng được quy hoạch và xây dựng nhiều khu chức năng với nhiều công năng khác nhau, hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để phát triển thành khu dịch vụ Logistics trọn gói theo hình thức “Door to Door” phục vụ nhu cầu của ngành Dầu khí, nhu cầu của khu công nghiệp Nhơn Trạch, các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, Tp. HCM, Bình Dương và các khu vực lân cận.
Năm 2018, PAP đã làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm hoàn tất các thủ tục liên quan, từ đó triển khai xây dựng, khai thác dự án Cảng Phước An. Định hướng cho thời gian tới, PAP sẽ đầu tư xây dựng, khai thác Cảng với khả năng đón tàu trọng tải đến 60.000 DWT, công suất 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Song song, PAP cũng sẽ xây dựng Khu dịch vụ hậu cần cảng thành trung tâm Logistic với công suất 2,2 triệu TEU/năm hàng container và 4 triệu tấn/năm với hàng tổng hợp…
Kết quả kinh doanh, năm 2017 công ty lãi sau thuế gần 11 tỷ đồng nhưng năm 2018, PAP lỗ hơn 13 tỷ đồng. Các năm tiếp theo đó, năm 2019 lãi sau thuế gần 18 tỷ đồng và năm 2020 lãi sau thuế gần 14 tỷ đồng. Hiện tại các khoản thu của công ty đều là doanh thu tài chính. Tuy vậy, tính đến hết năm 2020 tiền và các khoản tương đương tiền của công ty còn hơn 45 tỷ đồng, giảm 673 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu là giảm tiền gửi tại các ngân hàng.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 ghi nhận tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng từ 232 tỷ đồng số đầu năm lên 1.217 tỷ đồng số cuối năm, trong đó chủ yết gia tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (tỷ 120 tỷ đồng lên 1.098 tỷ đồng) – trong đó ghi nhận công ty đã chuyển gần 970 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch để hỗ trợ đền bì giải phóng mặt bằng dự án. Trong năm, vốn hóa khoản chi phí lãi vay liên quan đến các khoản vay nhằm tài trợ cho việc phát triển và xây dựng dự án Cảng Phước An với số tiền hơn 1.700 tỷ đồng.
Theo: Cafef