Hoạt động của ngành hàng không năm 2020 vốn dĩ đã khó khăn, nhưng năm 2021 thậm chí còn nhiều thách thức hơn vì Covid-19 liên tục bùng phát trở lại và các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng chặt chẽ hơn.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 của Vietnam Airlines cho biết, doanh thu thuần quý 3 chỉ đạt hơn 4.735 tỷ đồng. Doanh thu giảm 60% so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận gộp bị lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là -3.369 tỷ đồng.
Đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trong thời gian cao điểm hè đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty. Trong báo cáo giải trình, Vietnam Airlines cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lỗ gần 2.773 tỷ đồng. Số tiền này tăng 12,4% so với cùng kỳ (-2.466 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines lỗ 3.531 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ (-3.017 tỷ đồng).
Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Hose: VJC) ghi nhận doanh thu vận tải hàng không đạt hơn 1.365 tỷ đồng trong báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, doanh thu lũy kế 9 tháng hơn 6.384 tỷ, lợi nhuận hơn 44,5 tỷ đồng. Vietjet đã nỗ lực trong hoạt động kinh doanh với mục tiêu đạt hòa vốn. Doanh thu hợp nhất quý 3 và 9 tháng lần lượt đạt 2.654 tỷ đồng và 10.210 tỷ đồng.
Năm 2020, báo cáo tài chính năm 2020 của Bamboo Aiways cho thấy doanh thu chỉ là 4.049 tỷ đồng. Số tiền này không đủ bù đắp được giá vốn hàng bán lên đến 7.653 tỷ đồng nên công ty gánh khoản lỗ gộp 3.604 tỷ đồng. Để bù đắp cho khoản lỗ gộp khổng lồ này, Bamboo Airways đã bán tài sản là cổ phiếu FAM và FLC Travel để thu về doanh thu hoạt động tài chính 4.647 tỷ đồng.
Ngày 8/1/2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức buổi tổng kết năm 2021. Tại đây, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố đã hoàn tất thủ tục giải ngân vốn đầu tư (6.895 tỷ đồng) vào Vietnam Airlines.
SCIC đã chủ động nghiên cứu và sớm có những đề xuất nhằm đảm bảo việc thực hiện đầu tư vào Vietnam Airlines tuân thủ các quy định của pháp luật. Tháng 5/2020, SCIC đã có các báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án đầu tư vào Vietnam Airlines. SCIC đã có 11 văn bản báo cáo Ủy ban trong quá trình xây dựng và đề xuất phương án đầu tư.
“SCIC quyết liệt, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giải cứu Vietnam Airlines. Theo đó, giá trị cổ phần VNA được xác định theo tiêu chuẩn thẩm định giá thấp hơn so với mức giá VNA dự kiến phát hành. Đơn vị kiểm toán độc lập (Deloitte) đã có ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.”, lãnh đạo SCIC cho biết.
Quy trình đánh giá đầu tư của SCIC được thực hiện theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế về đầu tư mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Quá trình này gồm: SCIC triển khai nghiên cứu đầu tư, ký thỏa thuận bảo mật thông tin với VNA, ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá (Công ty Thẩm định giá AASC), tư vấn rà soát pháp lý (Công ty Luật YKVN) và thực hiện quy trình đấu thầu lựa chọn tư vấn rà soát đặc biệt về thương mại và tài chính.
Theo: Cafef